Loading...

HIỆP ĐỊNH EVFTA: CƠ HỘI NÀO CHO NÔNG SẢN VIỆT?

Liên minh châu Âu (EU) vốn là thị trường “vàng”, là đối tác quan trọng hàng đầu của nông sản Việt Nam. Kể từ sau Hiệp định thế hệ mới EVFTA, tỷ lệ xuất khẩu nông sản của nước ta có nhiều khởi sắc. Ông Janusz Wojciechowski, Cao ủy phụ trách Nông nghiệp của Liên minh châu Âu, khẳng định: Việt Nam đã trở thành đối tác quan trọng của EU ở Đông Nam Á sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực vào năm 2020.

Ông Janusz Wojciechowski, Cao ủy phụ trách Nông nghiệp của Liên minh châu Âu

Hiệp định tự do hóa thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ 1/8/2020 là khuôn khổ hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư rất quan trọng mở ra những cơ hội và triển vọng to lớn. Thống kê cho thấy, sau 2 năm, mặc dù trải qua thời ký dịch Covid-19 khó khăn, các mặt hàng nông sản chủ lực vẫn có sự gia tăng đáng kể. 
 
Cụ thể, hạt tiêu tăng 81,3%, cà phê tăng 62,7%, gạo tăng 42,9%, thuỷ/hải sản tăng 22,7%...; Và, tỷ lệ sử dụng chứng nhận xuất xứ (C/O) ưu đãi theo Hiệp định EVFTA trong lĩnh vực nông nghiệp năm sau cũng cao hơn năm trước (như thuỷ sản 78,89%, rau quả 65,58%, gạo 100%). Các mặt hàng chính yếu của Việt Nam gạo, nấm, các sản phẩm đường cũng được hưởng lợi từ việc tiếp cận quan trọng tới thị trường EU thông qua Hạn ngạch nhập khẩu với mức thuế ưu đãi theo quy định của EVFTA, giúp các mặt hàng này được nhập khẩu vào EU với thuế suất là 0.
 
“Hiệp định EVFTA là một chân trời mới cho nông sản Việt Nam đi theo hướng không phải cạnh tranh bằng giá cả, không phải cạnh tranh bằng số lượng, mà cạnh tranh bằng chất lượng và giá trị gia tăng… Đặc biệt, với những cam kết gần đây của các lãnh đạo Việt Nam với quốc tế về giảm phát thải cacbon thì thị trường châu Âu mở ra một cơ hội rất lớn cho chúng ta là ưu đãi, là mua với giá cao các sản phẩm xanh, thân thiện môi trường và bảo vệ và phát triển ổn định trong điều kiện biến đổi khí hậu” - TS. Đặng Kim Sơn, Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
 
Hiệp định EVFTA mang lại nhiều lợi ích cho cả 2 bên. Người châu Âu nay có thể tiếp cận với trà, cà phê và hàng loạt các mặt hàng khác như hạt, gia vị, hoa quả nhiệt đới từ Việt Nam. Trong khi đó, người tiêu dùng Việt Nam cũng có cơ hội sử dụng nhiều loại thực phẩm có tính an toàn và chất lượng cao đến từ thị trường khó tính này. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội không thể phủ nhận, thị trường Việt Nam cũng phải đối diện với nhiều khó khăn để đáp ứng nhiều tiêu chuẩn nghiêm ngặt mà EU đưa ra.
 
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định: “Với tỷ trọng như vậy cho thấy giá trị và kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang EU vẫn ở mức thấp so với tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam, cũng như nhu cầu nhập khẩu của EU. Doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng hơn nữa các lợi thế từ mặt hàng nông sản nhiệt đới và EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU nói riêng và châu Âu nói chung”. 

 

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)


Ngoài ra, ông Phạm Tấn Công cũng cho biết, trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam và EU còn nhiều dư địa để phát triển. Hiện EU là thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ 3 với kim ngạch khoảng 5,5 tỷ USD/năm, chiếm 15% tổng giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam, nhưng chỉ chiếm 4% tổng kim ngạch nhập khẩu nông sản của EU trong năm 2021.
 
Tuy nhiên, Việt Nam đang tích cực chuyển đổi mạnh mẽ theo định hướng tăng trưởng xanh, phát triển mô hình tăng trưởng tích hợp đa giá trị theo hướng công nghệ cao, đa dạng, bền vững, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái duy trì và bảo tồn đa dạng sinh học, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng toàn cầu. Trong bối cảnh thách thức do biến đổi khí hậu và nguy cơ mất an ninh lương thực toàn cầu, Việt Nam đang xây dựng hình ảnh minh bạch - trách nhiệm - bền vững với người tiêu dùng toàn cầu.

0819465588
DMCA.com Protection Status